Giới thiệu
“Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân
“Vang bóng một thời” là một tập truyện ngắn và tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm được nhà xuất bản Tân Dân xuất bản lần đầu tiên năm 1940.
Tác phẩm ban đầu được đăng trong mục “Vang và bóng một thời” trên tạp chí Tao Đàn vào năm 1939, sau đó nhà xuất bản Tân Dân in thành sách năm 1940. Khi in thành sách, ngay từ lần đầu tiên cho đến các bản in hiện thời, “Vang bóng một thời” có nhiều đoạn kiểm duyệt từ thời Pháp thuộc bị cắt bỏ. Những đoạn kiểm duyệt này ít thì một hai dòng, nhiều thì vài đoạn… Về sau, một số nhà xuất bản đã so sánh với văn bản trên tạp chí Tao Đàn để khôi phục lại những đoạn bị kiểm duyệt.
Nhắc đến Nguyễn Tuân, ai cũng nể phục và trân quý nét tài hoa, uyên bác qua từng con chữ của ông. Đối với ông, văn chương phải là văn chương đúng nghĩa. Đầu tiên, thiên chức của văn chương phải là hướng tới cái đẹp. Và ông đã điều khiển đội quân ngôn từ của mình để tạo nên những tác phẩm đạt đến chân, thiện, mỹ. Các nhân vật, các hình ảnh trong tác phẩm của Nguyễn Tuân đều là những tài hoa, nghệ sĩ.
“Vang bóng một thời” gồm 14 tùy bút hoặc truyện ngắn. Mỗi tác phẩm này không ít thì nhiều đã làm sống lại những phong tục tập quán dân tộc, những thú chơi tao nhã gắn liền với những ông nghè, ông cử đã thất thế song vẫn cố giữ thói quen thanh cao, lịch lãm trong một xã hội có nhiều nhiễu nhương. Nguyễn Tuân tỏ lòng mến mộ, yêu quý những con người tài hoa mà thất thế hay những lãng tử giang hồ. Ở những nhân vậy này, nhà văn chẳng những khai thác khía cạnh tài hoa tài tử mà còn chú ý cả những điểm khác người, thậm chí đến mức lập dị, cầu kỳ của họ. Bất kỳ cảnh nào, ta cũng bắt gặp sự tao nhã, thanh cao.
Với sự hiểu biết phong phú và ngôn từ chắt lọc của mình, thông qua tác phẩm “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân sẽ đưa chúng ta về quá khứ với bao thú vui, sở thích đẹp. Đó là cảnh thả thơ, đánh thơ khiến bao người thích thú. Hay cụ Kép làng Mọc Thượng nguyện đem cả cái quãng đời xế chiều của nhà nho để phụng sự cho hoa thơm cỏ quý. Đối với cụ “người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi”. Hay viên quan ngục muốn xin được chữ của tử tủ Huấn Cao mà khúm núm, cảm động. Ta cũng không quên cụ Ấm, người chẳng bao giờ cẩu thả trong thú chơi trà thanh đạm “thầy cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm”. Những nếp sống, sinh hoạt nho phong cứ thế mà hiện ra qua những ý văn tài hoa. Thế nên, tác phẩm có dấu ấn thật sâu đậm trong lòng người.
Có thể nói, “Vang bóng một thời” đã thể hiện được toàn bộ cái hay trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Tuân luôn đi tìm cái đẹp, chất nghệ sĩ trong những con người tài hoa còn vương sót lại từ quá khứ nay chỉ còn vang bóng.