Giới thiệu
Tiểu thuyết “Việc làng” của Ngô Tất Tố
Tiểu thuyết “Việc làng” của Ngô Tất Tố là một tác phẩm phóng sự chi tiết và toàn diện về nông thôn Việt Nam trước năm 1945, được xuất bản lần đầu vào năm 1940. Tác phẩm này phản ánh tận chiều sâu cả hai mặt phong tục và hủ tục, nhiều thứ vẫn tồn tại dai dẳng cho đến tận ngày nay.
Phóng sự “Việc làng” chứa đựng kiến thức sâu rộng, mô tả cụ thể về bộ mặt nông thôn với hàng loạt phong tục và hủ tục. Chuyện ăn uống tại đình trung là một khía cạnh được khai thác đầy đủ, không chỉ để tố cáo những hủ tục “quái gỡ” và “mọi rợ”, mà còn để phản ánh tâm lý hiếu danh và tiêu cực trong xã hội.
Nếu “Lão Hạc” trong truyện ngắn của Nam Cao tự tử vì muốn gắn gượng giữ lại mảnh vườn cho con trai trong hoàn cảnh túng quẫn thì người nông dân trong trang văn của Ngô Tất Tố lại vì chấp nhận hủ tục mà khiến bản thân rơi vào cảnh khốn khó, bần cùng.
Ngô Tất Tố không chỉ đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ về những hủ tục lạc hậu mà còn thông cảm với người dân bị ảnh hưởng. Ông đặt ra một tấm lòng vị tha rất phương Đông khi lên án nạn thịt xôi ở chốn “cửa Khổng sân Trình”, phê phán tâm lý hiếu danh và ích kỷ của những kẻ duy trì những hủ tục này.
Bằng sự quan sát tinh tế, “Việc làng” của Ngô Tất Tố khai thác các hủ tục lạc hậu, vô lý ở rất nhiều khía cạnh. Hệ lụy mà chúng gây ra cho người dân là hết sức nghiêm trọng. Họ rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng, nợ nần chồng chất qua nhiều thế hệ, thậm chí bị ép vào con đường cùng là kết liễu cuộc đời.
Đôi nét về tác giả Ngô Tất Tố
Tác giả Ngô Tất Tố (1893 – 1954), sinh ra ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái.
Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng.
Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.
Ngô Tất Tố nghiên cứu rất nhiều các thể loại văn học khác nhau. Ông là một học giả có nhiều công trình khảo cứu về triết học, văn học cổ có giá trị. Ông không chỉ là nhà văn mà còn là một nhà báo nổi tiếng. Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại báo chí, trong đó tiểu phẩm và phóng sự là hai thể loại đã giúp ông thành danh.
Phóng sự “Việc làng” được in trên báo Hà Nội tân văn (1940-1941) và NXB Mai Lĩnh xuất bản năm 1941. Tác phẩm đã vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh về những tồn tại tiêu cực nơi làng quê Việt Nam trong một thời gian rất dài và đến tận ngày nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Từ đó, tác phẩm khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của Ngô Tất Tố đối với nền văn học và báo chí nước nhà.
Mời các bạn cùng đọc tiểu thuyết phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố tại TheGioiVanHoc.com.