Giới thiệu
Tiểu thuyết “Vỡ đê” của Vũ Trọng Phụng
“Vỡ đê” là tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, phản ánh những vấn đề thời sự đời sống chính trị, xã hội đương thời. Tác phẩm gồm 3 phần với 25 chương, được đăng tải trên mặt báo lần đầu vào năm 1936. “Vỡ đê” mang góc nhìn đa chiều và phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bè lũ thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực. Thông qua tiểu thuyết “Vỡ đê”, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945.
Nội dung câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Phú, một trí thức nghèo phải bỏ học ngang vì hoàn cảnh của gia đình. Nhà cậu có năm người, gồm ông bà Cử là phụ mẫu của Phú, anh trai Minh, chị gái Tuất và Phú. Cả bố và anh cả đều là những người làm cách mạng bị chính quyền Pháp đày đi Côn Đảo và để lại gia đình tan hoang chỉ còn bà cụ Cử già yếu, chị gái Tuất góa chồng phải một mình nuôi con và Phú thì đang lâm vào cảnh thất nghiệp.
Sống trong những ngày tháng đất nước trải qua nhiều biến động khi thực dân Pháp đã hoàn thiện bộ máy cai trị mà Đảng Cộng Sản chỉ mới bước vào giai đoạn đầu hoạt động, Phú đã giữ một niềm lạc quan thơ ngây vào Chính phủ Bình Dân Pháp mới lên nắm quyền sẽ giúp cho đời sống người dân đỡ khổ.
Thế nhưng khi trải qua hàng loạt biến cố, từ việc bị bắt phu đi đắp đê đến chuyện bị vu khống; từ dịp chứng kiến cảnh vỡ đê và hạn hán kéo dài ở quê nhà đến lúc nhìn thấy những lạc thú đồi bại chốn thủ đô, Phú mới dần nhận ra tình trạng hiện tại của xã hội thực dân nửa phong kiến và bộ mặt thật của chính quyền Pháp cùng bọn tham quan làm tay sai cho chúng.
Từ đó, anh đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như nghiêm túc quan tâm đến những gì đang thực sự diễn ra trên đất nước cùng những con người đang ngày ngày thầm lặng đấu tranh cho lý tưởng và con đường cách mạng.
Đôi nét về nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (1912-1939), một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học vô cùng ấn tượng, bao gồm hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, và nhiều bài viết phê bình, tranh luận về văn học cùng hàng trăm bài báo về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.
Cùng với các tác phẩm “Giông tố” (1936) và “Số đỏ” (1936), chất phóng sự trong tiểu thuyết “Vỡ đê” của Vũ Trọng Phụng được thể hiện khá rõ ở việc phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự của đời sống chính trị, xã hội đương thời vào tác phẩm. Bức tranh hiện thực trong ba tác phẩm nói trên rất rộng lớn, bao quát cả cái xã hội thuộc địa thối nát và có giá tri như những cuốn biên niên sử ghi lại những sự kiện, những vấn đề thời sự của xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỷ này. Trong “Vỡ đê” ông đã ca tụng những người cộng sản trong tòa báo Lao động thời mặt trận bình dân, những người ngang tàng coi nhà tù là một cái trường đào tạo nên những tay chiến sĩ của cái phần nhân loại bị bóc lột để chiến đấu với bọn có ở hai vai mình những cánh tay lao động của người khác.
Tác phẩm không còn là tiếng chửi học hằn phẫn uất trên lập trường cá nhân mà đã mang chủ đề chính trị thời sự, lấy đề tài trực tiếp từ phong trào đấu tranh chính trị đương thời.
Mời các bạn cùng đọc tiểu thuyết “Vỡ đê” của Vũ Trọng Phụng tại TheGioiVanHoc.com.