Vỡ đê (Tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng) - Phần I / Chương 2
ình tĩnh và khoan hòa trên một ngọn xoan, mặt giăng soi sáng cái sân có sáu người, đem vào cho tâm hồn của sáu người sự vui vẻ, sự minh mẫn. Ngồi nép vào ria chiếu, sau Phú, cô Tuất bóc những củ lạc luộc rồi thỉnh thoảng với tay lại sau lưng… Thằng cu Hiền đứng ôm lấy mẹ, há mồm đớp một cách vụng dại đáng yêu, mỗi khi đớp lại để chảy một sợi nước rãi vào cổ mẹ, và một khi được nhân lạc lại ôm chặt lấy cổ mẹ, run rẩy hai cái chân mũm mĩm dài bằng gang tay, miệng kêu “Ông! Ông! Ông!…” để bắt chước một ông lý cưỡi ngựa.
Trước mặt Phú là ông thủ quỹ, bác hộ lại, và anh hai Cò – một giai làng, một kẻ vô nghĩa lý mà chỗ nào người ta cũng thấy có mặt, mà có mặt ở chỗ nào thì người ta cũng chẳng biết là có mặt hay vắng mặt, một kẻ không được yêu, chẳng bị ghét, cả đến bị khinh bỉ nữa cũng không, một thứ người đần độn mà ở nhà nào có việc thì người ta cũng thấy ngồi thái thịt dưới bếp.
Ông thủ quỹ hỏi Phú về chuyện thế giới. Bác hộ lại kể những chuyện quan trên ở phủ này sức cho dân phải uống rượu ra làm sao, ở huyện kia một con lợn bao nhiêu chai, một con bò bao nhiêu chai… Người ta phàn nàn cho ông lý đã lỗ mất hai trăm bạc vào vụ thuế tháng năm vừa rồi mà bây giờ lại bị giày vò bởi cái vấn đề đê điều có lắm chuyện rắc rối. Cả hai người đều cùng một giọng than phiền về nạn khủng hoảng kinh tế, về những sự đau khổ của dân quê, cho nên khi thấy Phú cắt nghĩa cho nghe cái hy vọng ông toàn quyền mới sang nhận chức sẽ có nhiều điều cải cách hay, thì ai cũng phải tạm dẹp bớt những nỗi bất bình. Tuy nhiên bác hộ lại vẫn ra vẻ hoài nghi mà rằng:
– Bác Phú nói thế thì tôi cũng đành phải tin như thế. Đã bao nhiêu lần tôi thấy nói ông toàn quyền này sang với ông toàn quyền kia sang! Mỗi lần thay đổi một vị thủ hiến thì thấy ai cũng nói sẽ có sự thay đổi chính sách, sẽ có sự cải cách chế độ, dân gian lại hy vọng… Rồi thì đâu lại hoàn đấy cả.
Ông thủ quỹ họa theo:
– Ừ, mà quả thế đấy! Ừ nhỉ! Chính tôi đây chứ phải ai? Tôi đã bao nhiêu phen thất vọng rồi, vậy mà tôi cũng vẫn cứ còn sức hy vọng mãi, như trăm nghìn kẻ khác đấy. Họ dứ mình y như là dứ trẻ con, mà mình thì lần nào mình cũng tin y như trẻ con!
Trước những luận điệu như thế, Phú cũng thấy sự tín ngưỡng của mình có bề lung lay, không dám cam đoan nữa. Chàng bình tĩnh nói:
– Phải tin chứ! Phải tin mới sống được chứ!
Bác hộ lại nói một cách hằn học:
– Những kẻ không tin thì đã đi Côn Đảo cả mất rồi còn gì!
Ông thủ quỹ nói:
– Ừ, mà người ta ai chả thế? Ai chả sống, vì hy vọng?
Phú cố hòa giải:
– Không, lần này thì tôi tưởng chúng ta không đến nỗi mơ ước hão đâu. Xưa kia cũng đã có nhiều cuộc cải cách đấy, song chưa đến cùng dân được là vì…
– Bao nhiêu lần cải cách rồi mà dân quê vẫn chết đói một cách thỏa mãn lắm!
– Là vì xưa kia, bên Tây, quyền chính chưa vào tay phái Bình Dân. Xưa kia bọn tư bản chủ trương mọi việc, tất nhiên thuộc địa đối với họ chỉ là chỗ để lấy lợi, mà đã thế, tất nhiên dân mình phải khổ. Bây giờ đảng Xã hội lên cầm quyền thì phải khác, vì chủ nghĩa xã hội có tính cách đại đồng, chủ trương hòa bình, không phân biệt màu da. Trong chương trình của đảng Xã hội có khoản giải phóng thuộc địa, cho những dân hậu tiến được hưởng công lý và tự do để có thể cho tất cả các thuộc địa cùng với mẫu quốc hợp lại thành một khối bất khả lá tán, cùng một mối đồng tâm ghê gớm… Có được như vậy thì nước Pháp mới giữ mãi được cái địa vị cao trọng trong thế giới. Bằng không thì…
Ông thủ quỹ nói luôn:
– Bằng không thì ắt là có phen mất!
Ông hộ lại bàn:
– Cái đó có thể lắm. Vì nước Pháp được tiếng là có nhiều thuộc địa béo bở cho nên những cường quốc khác lăm le thèm muốn đã rõ rệt lắm. Nếu không giữ được lòng trung thành của dân tộc thuộc địa thì lấy gì mà chống lại với những sự ham muốn của các cường quốc kia? Một cuộc binh đao, một cuộc xâm chiếm… ai biết trước được sự thắng bại thế nào!
– Ừ! Ừ… Mà hiện giờ thì nước Nhật…
– Ờ! Mà nếu vậy thì ra đảng Xã hội mà có giải phóng cho thuộc địa thì cũng là điều cần chứ chưa chắc đã phải là vì lòng nhân đạo muốn cho hậu tiến mau bước trên đường văn minh!
Tóm lấy những lời lẽ ấy, Phú vội kết luận:
– Ấy chính vì những lẽ ấy cho nên tôi mới dám hy vọng vào ông toàn quyền mới đấy mà! Ông này cũng có chân trong đảng Xã hội như ông Varenne năm xưa. Đảng Xã hội cho các lối áp chế thuộc địa của phái tư bản là thất sách, là có hại cho nước Pháp, vì những chính sách hà khắc sẽ dắt đến sự công phẫn và sự mất thuộc địa, nên họ muốn cho thuộc địa càng được hưởng nhiều sự cải cách thì dân đen, dân vàng càng yêu họ hơn, càng trung thành với nước Pháp hơn…
Ông thủ quỹ, bác hộ lại gật gù ra vẻ bằng lòng. Hai người đã được yên tâm về chỗ: nên hy vọng. Riêng Phú, chàng thấy rất đáng tự kiêu ở việc chàng bao lâu nay vẫn cứ ngấm ngầm mà giáo hóa được bọn dàn anh trong làng, làm cho họ có một quan niệm về quốc gia, có những tư tưởng xã hội và biết rõ cái guồng máy chính trị của xứ sở. Chàng nghĩ thầm: “Nếu người dân quê nào cũng biết sự đời được như ông thủ quỹ và bác hộ lại này thì tương lai nước nhà trông chừng cũng khả quan”.
Sở dĩ có ý nghĩ ấy là vì mấy năm trước đây khi chàng mới về quê ở với mẹ, thì trình độ trí thức của mấy ông đàn anh trong làng thật là thảm hại. Trong cả một làng chỉ có độ hai chục người biết chữ, cả quốc ngữ lẫn chữ nho, trong số ấy không có một người nào đọc mà lại hiểu nổi một tờ nhật trình hàng ngày, cả làng chỉ có một người mua năm một tờ báo. Người ta tranh nhau đọc báo nhưng mà đọc cái gì? Trước nhất là đọc những tiểu thuyết hoang đường quái kiệt. Rồi đến những tin vặt, nạn xe cộ, trộm cướp, những vụ hiếp dâm. Không bao giờ họ hiểu thế giới là gì cả. Những chữ như: hội Quốc Liên, chính phủ Xô Viết, đảng Xã hội, Nhật đế quốc, phát xít, Hitler, Cộng Hòa v.v… đối với họ đều là những danh từ không có nghĩa. Cho nên gặp những khi thấy nhật trình đăng những tin đại khái như: Tưởng Giới Thạch đi tiễu trừ cộng sản… Thủ tướng Herriot chủ trương thuyết thân thiện với nước Nga… vụ cờ đỏ ở Cao Bằng, 30 người bị bắt… Nga- Pháp đã ký hiệp ước đồng minh v.v… thì họ ngạc nhiên, thì họ hãi hùng, thì họ kinh hoảng… Không ai cắt nghĩa cho họ hiểu cả. Ngạc nhiên, hãi hùng, kinh hoảng mãi cũng vô bổ, dần dần họ không thèm để ý đến những tin tức như đã kể trên. Vị lẽ ngoài những điều ấy, nhật báo cũng vẫn có những truyện lợn đẻ ra voi, rắn đẻ ra gà, nên chi họ vẫn tranh nhau đọc báo.
Cái chính sách ngu dân đã đắc thắng một cách hoàn toàn.
Bây giờ, sự vật đã thay đổi hẳn. Nhờ có Phú, ông thủ quỹ đã biết sung sướng khi đọc thấy những dòng: Đảng Cấp tiến, đảng Xã hội, đảng Cộng sản ở Pháp đã hợp nhất để lập một chiến tuyến Bình dân. Ông lý trưởng đã lo con giai cả của ông sẽ phải gọi ra lính khi thấy trên báo có tin: Nước Đức đem quân vào phi chiến khu… Bác hộ lại đã bất bình vô cùng khi thấy đăng: Nhật và Nga đã ký hiệp ước bất xâm phạm, vì cái chủ trương của bác ta chỉ là thế giới chiến tranh cho hết khủng hoảng kinh tế.
Người ta bắt đầu ham đọc những bài xã thuyết chính trị, kinh tế can hệ cho nước nhà, hoặc việc của nước ngoài.
Người ta bắt đầu khinh bỉ những chuyện hoang đường, những chuyện quái đản, những tin chó chết, mục “Xuân thủ đàm ân”…
Người ta đã hơi hiểu những sự gì can hệ, những sự gì phù phiếm.
Sở dĩ có sự tiến bộ ấy là chỉ bởi một mình Phú nên Phú lấy chỗ ấy làm tự hào lắm, và cũng được đền bù lại vì cả làng đều coi Phú là một bậc trí thức.
Mối hoài bão gửi vào ông toàn quyền mới khiến ba người ngừng chuyện, mơ màng ngửa cổ nhìn lên cung trăng. Trên không ngẫu nhiên có một đám mây có hình một cái đầu rồng đương vờn mặt trăng là một viên ngọc. Thằng cu Hiền kêu “Ông, ông, ông”càng to hơn trước, hình như con ngựa tưởng tượng của nó đương phóng nước đại. Cô Tuất khoan thai vấn lại mớ tóc rối loạn trên đầu. Trong nhà, cụ Cử vẫn ngồi làm vàng, thoăn thoắt không ngừng tay. Phú tưởng đến sự vui của gia đình, nếu nay mai Minh được tha hẳn.
Chợt có tiếng giày kêu ngoài ngõ. Mấy người nhìn ra… Ông chánh Mận đi vào…
– Chào các quan! Bác Phú hẳn chưa đi ngủ! à, họp đây mà!
– Chào ông chánh! Ông ngồi chơi đây! Ngắm trăng suông tuy vậy cũng có một cái thú…
Cả bọn dọn chỗ cho ông chánh ngồi. Anh hai Cò bỏ hẳn chiếu, kều được cái mo cau sau lưng thì lổm ngổm lùi về đằng sau rồi ngồi lên. Cô Tuất chào qua khách một câu rồi ẵm con vào buồng với bà cụ Cử. Phú rót một chén nước, đẩy cái điếu về phía ông chánh Mận. Ông này nhìn vào nhà, cất cao giọng:
– Lạy cụ ạ! Cụ chưa đi nghỉ…
Không ngừng tay cuốn những thoi vàng, cụ Cử thản nhiên nói với ra:
– Không dám, chào ông, ông sang chơi.
Thế rồi bốn bề lặng im.
Sự ông chánh Mận có mặt tại đó làm cho mấy người cụt hứng.
Là vì ông chánh là người giàu nhất làng. Ông đã mãn khóa rồi, nhưng ở xã hội ta, mỗi khi ai có được một chức gì thì sẽ giữ chức ấy được mãi cho đến lúc chết, cũng như những ông quan vì hối lộ mà mất quan, mà phải tù, thì cũng vẫn được gọi và vẫn cứ nhận mãi mãi là quan. Tính nết ông này thật khó hiểu. Độc ác không ra độc ác, hiền lành không ra hiền lành. Lắm lúc hoang ra phết, lắm lúc lại bẩn thỉu đáo để. Có khi sính làm quan, có khi rộng miệng cả tiếng mạt sát những kẻ thích quan.
Phú không ghét ông chánh Mận vì cái vô học của ông, song vì ông ta giàu. Thế mà mấy tháng trước đây, chàng đã phải ở vào một cảnh ngộ khó xử. Chị Tuất đã hỏi Phú rằng “Ông Mận hỏi tôi làm vợ kế đấy thì cậu tính sao?”. Phú không dám có một ý kiến gì cả, sợ cái trách nhiệm về sau, bảo chị cứ nghĩ cho chín rồi liệu mà quyết định. Cụ Cử kêu con gái đến lúc đã rổ rế cạp lại thì cụ cũng chẳng nói gì vào đấy, cũng cho tùy lòng… Cụ chỉ kêu: “Chỉ bực nỗi người ta giàu có, khó nghĩ lắm”. Một đường thì thủ tiết nuôi con mà ăn hại mẹ, một đường thì trả lại đứa con cho gia đình nhà chồng rồi đi cải giá, sẽ làm mẹ đứa bé khác… Tuất thấy đường nào cũng đầy rẫy chông gai nên đã để mấy tháng lưỡng lự. Mà ông chánh thì cứ giục điên, nay tin đi mai tin về…
Thoạt đầu Phú đâm ra ghét ngọt ông chánh. Nhưng khi nghĩ người ta giàu và hỏi chị mình, thế không đáng tội, thì chàng nguôi nguôi.
Thấy rằng nếu vồ vập ông chánh Mận là vô ý thức, lúc ấy Phú hết sức lãnh đạm. Sau, thấy thái độ ấy có lẽ quá đáng, chàng lại phải hời hợt mà rằng:
– Kìa nước đương nóng, ông xơi đi! Thuốc đây, điếu đây… Ông không có chuyện gì lạ đấy chứ?