Trang chủ Blog Văn học Tục ngữ là gì? Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam

Tục ngữ là gì? Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam

Tục ngữ là gì và các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam là gì sẽ được Thế giới văn học làm rõ, giúp bạn hiểu hơn về thể loại văn học dân gian này.

Tục ngữ là gì?

Tục ngữ là những câu nói có vần điệu, chắc gọn, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất, về con người và xã hội.

Trải qua hàng nghìn năm tích lũy và đúc kết, ông cha ta đã để lại một kho tàng tục ngữ phong phú và vô giá. Trong xã hội có giai cấp, tục ngữ được nhân dân sử dụng như một công cụ để phát biểu những nhận thức về các kinh nghiệm thực tiễn, các hiện tượng lịch sử xã hội. Những kinh nghiệm của tục ngữ rút ra trong quá trình đấu tranh chống thiên nhiên và xã hội, được thể nghiệm trong thực tiễn, dần trở thành những chân lý có tính cách phổ biến, được nhân dân công nhận và sử dụng.

Tuy nhiên, khi vận dụng kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm được đúc kết trong tục ngữ, bao giờ cũng phải tính đến hoàn cảnh và điều kiện cụ thể.

Không nên nhầm giữa tục ngữ với thành ngữ hay ca dao Việt Nam. Để hiểu hơn về ca dao, bạn đọc có thể tham khảo thêm TẠI ĐÂY!

Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam là gì?
Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam là gì?

Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam là gì?

Mỗi thể loại văn học dân gian đều có một đặc điểm riêng, có thể giữa chúng cũng sẽ có sự giao thoa. Tuy nhiên, khi xét đến các yếu nội dung và nghệ thuật, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự đồng điệu hay khác biệt đối với từng thể loại văn học dân gian khác nhau.

1. Đặc điểm về nội của tục ngữ

Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội loài người, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc. Giữa hình thức và nội dung, tục ngữ có sự gắn bó chặt chẽ, một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy nhiên, tựu chung lại, nội dung trong tục ngữ Việt Nam thường có những đặc điểm sau:

Tục ngữ Việt Nam nói về tự nhiên và kinh nghiệm lao động sản xuất
Tục ngữ Việt Nam nói về tự nhiên và kinh nghiệm lao động sản xuất

a. Tục ngữ Việt Nam nói về tự nhiên và kinh nghiệm lao động sản xuất

Nội dung trong những câu tục ngữ Việt Nam thường được gắn liền với thiên nhiên, lao động sản xuất. Đây là những bài học kinh nghiệm được cha ông ta đúc kết lại trong quá trình lao động và đấu tranh với thiên nhiên, rồi được lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ đời này sang đời khác. Nhiều câu tục ngữ nói về thời tiết, chài lưới, chăn nuôi, nhất là trồng trọt, v.v… Ví dụ:

  1. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
    Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.
  2. Tháng ba u ám thì nắng
    Tháng tám u ám thì mưa.
  3. Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa.
  4. Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy
    Cơn đằng Tây vừa cày vừa ăn.
  5. Bao giờ cho đến tháng ba
    Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn.
  6. Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
  7. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
  8. Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa.
  9. Làm ruộng theo năm, nuôi tằm theo lứa.
  10. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.

Như vậy, tục ngữ Việt Nam được bắt nguồn từ công việc và động tác lao động, từ nguồn cảm hứng khi lao động, rồi trở lại phục vụ và động viên lao động.

Nội dung của tục ngữ thể hiện triết lý dân gian
Nội dung của tục ngữ thể hiện triết lý dân gian

b. Nội dung của tục ngữ thể hiện triết lý dân gian

Không chỉ nói về tự nhiên hay những kinh nghiệm đúc kết từ quá trình lao động và sản xuất, nội dung trong tục ngữ còn thể hiện được triết lý dân gian là những kinh nghiệm sống quý giá, những truyền thống tư tưởng, đạo đức cao đẹp của nhân dân ta. Có thể kể đến như:

  1. Có công mài sắt có ngày nên kim
  2. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
  3. Giấy rách còn giữ lấy lề
  4. Chữ tín còn quý hơn vàng
  5. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
  6. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
  7. Ăn ở như bát nước đầy.
  8. Người không học như ngọc không mài.
  9. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
  10. Dốt đến đâu, học lâu cũng biết.
Tục ngữ Việt Nam gắn với tình cảm gia đình, con người và xã hội
Tục ngữ Việt Nam gắn với tình cảm gia đình, con người và xã hội

c. Tục ngữ Việt Nam gắn với tình cảm gia đình, con người và xã hội

Nội dung trong tục ngữ Việt Nam còn gắn liền với những mối quan hệ về tình cảm gia đình. Nhiều câu trong đó chứa đựng nội dung tư tương, tình cảm, đạo đức cao cả. Có thể kể đến như:

  1. Chị ngã em nâng.
  2. Chim có tổ, người có tông.
  3. Anh em như thể tay chân.
  4. Con hơn chà là nhà có phúc.
  5. Yêu trẻ, trẻ đến nhà,
    Kính già, già để tuổi cho.
  6. Một giọt máu đào hơn ao nuớc lã.
  7. Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
  8. Một giọt máu đào hơn ao nuớc lã.
  9. Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em.
  10. Uống nước nhớ nguồn.

Hoặc những câu tục ngữ nói về con người và xã hội, thể hiện sự tôn vinh giá trị cao quý của con người, đưa ra nhưng lời khuyên, nhận xét về những phẩm chất và lối sống. Những câu tục ngữ này thường rất giàu hình ảnh ẩn dụ và hàm súc về nội dung. Chẳng hạn:

  1. Cái răng cái tóc là góc con người.
  2. Người sống đống vàng.
  3. Người là vàng, của là ngãi.
  4. Người như hoa, ở đâu thơm đó.
  5. Cái nết đánh chết cái đẹp.
  6. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
  7. Đói cho sạch, rách cho thơm.
  8. Kiến tha lâu cũng đầy tổ
  9. Người khôn dồn ra mặt.
  10. Trông mặt mà bắt hình dong.
Đặc điểm nghệ thuật của tục ngữ Việt Nam
Đặc điểm nghệ thuật của tục ngữ Việt Nam

2. Đặc điểm nghệ thuật của tục ngữ Việt Nam

Tục ngữ thiên về đúc kết kinh nghiệm, nên có đặc điểm là những câu nói ngắn gọn có vần điệu. Vần ở giữa câu gọi là vần lưng (yêu vận), vần ở cuối câu gọi là vần chân (cước vận).

Cách diễn đạt của tục ngữ chủ yếu là:

  • Câu chắc gọn
  • Thường có vần, nhất là vần lưng
  • Thường có nhiều vế, nhất là 2 vế đối nhau
  • Những khái niệm chính trong câu thường được biểu đạt bằng hình ảnh.
  • Diễn đạt bằng so sánh (Anh em như thể chân tay)
  • Lối nói quá lên (thậm xưng) để nhấn mạnh ý muốn nói (Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn).

Về nghệ thuật, tục ngữ Việt Nam thường thường sử dụng lối đối. Đối có nhiều kiểu: đối ý, đối lời, đối câu, đối về, đối từ, đối tiếng, đối thanh,… hoặc sử dụng những hình ảnh cụ thể để biểu đạt một ý trừu tượng nào đó.

Ví dụ: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, “Giơ cao đánh khẽ”, “Ăn vóc học hay”, v.v…

Ngoài đối ra, chúng ta còn hay bắt gặp lối so sánh. Chẳng hạn: “Anh em như thể chân tay”. Hoặc thậm xưng, tức là lối nói quá sự thật để làm nổi rõ điều muốn nói. Ví dụ: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Đôi khi, nghệ thuật của tục ngữ còn được thể hiện ở lối tương phản, lối trùng điệp, lối ẩn dụ, hay lối phóng đại, v.v…

Ví dụ: “Lanh chanh như hành không muối”, “Lừ khù như ông từ vào đền”, v.v..

Hay như:

“Biết tay ăn mặn thì chừa
Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày”.

“Cô kia cắt cỏ bên sông,
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”.

Nếu như thơ lục bát thường được cha ông ta vận vào trong các bài ca dao và dân ca, thì tục ngữ thường được làm nhiều nhất theo thể thơ bốn chữ. Cách sử dụng âm thanh và hình tượng ở đây được ông cha ta sáng tạo ra thật là uyển chuyển và sinh động.

Lời kết

Có thể nói, tục ngữ thuộc loại sáng tác ngôn từ dân gian, là những câu nói ngắn gọn, nhịp nhàng, cân đối, thường có vần điệu, đúc kết nhận thức về tự nhiên và xã hội, kinh nghiệm về đạo đức và ứng xử trong mọi mặt của đời sống. Mỗi câu tục ngữ là một câu nói hàm súc, ngắn gọn, diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tri thức trong tục ngữ là kinh nghiệm nên không phải lúc nào cũng đúng; thậm chí có những kinh nghiệm đã lạc hậu.

Văn học dân gian Việt Nam
Văn học dân gian Việt Nam

Mong rằng với những kiến thức được Thế giới văn học chia sẻ bên trên, các bạn đã phần nào có thể hiểu được khái niệm tục ngữ là gì và những đặc điểm của tục ngữ Việt Nam.

Còn có rất nhiều các thể loại văn học dân gian Việt Nam khác, bạn có thể tham khảo trong những bài viết dưới đây:

    1. Truyện thần thoại
    2. Truyện truyền thuyết
    3. Truyện cổ tích
    4. Sử thi dân gian
    5. Truyện ngụ ngôn
    6. Truyện cười dân gian
    7. Ca dao – dân ca Việt Nam
    8. Câu đố dân gian
    9. Truyện thơ Việt Nam
    10. Các thể loại sân khấu dân gian

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

7 bình luận