Trang chủ Blog Văn học Tùy bút là gì? Đặc điểm của thể loại tùy bút là gì?

Tùy bút là gì? Đặc điểm của thể loại tùy bút là gì?

Tùy bút là gì mà sao có nhiều tác phẩm hấp dẫn đến vậy? Hãy cùng Thế giới văn học tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của thể loại tùy bút là gì.

Tùy bút là gì?

Tùy bút là thể văn tự sự kết hợp một cách thỏa đáng nhất việc miêu tả đối tượng khách quan với những ý kiến phát biểu của người viết nhằm thể hiện một chủ đề nhất định.

Hay nói một cách khác cho dễ hiểu hơn, tùy bút là một thể loại văn xuôi tự sự thuộc loại hình kí, nội dung trong đó ghi chép về con người, về sự kiện cụ thể, có thực, được tác giả tuỳ bút thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của mình.

Trong văn học Việt Nam, thể loại tùy bút xuất hiện sớm với “Vũ trung tùy bút” (nghĩa là Tùy bút trong mưa) của Phạm Đình Hổ, được viết khoảng thời Lê mạt Nguyễn sơ, ghi lại nhiều sự việc xảy ra vào cuối đời Lê và đời Tây Sơn. Nối tiếp sau này có Nguyễn Tuân với tùy bút “Sông Đà”, Nguyễn Trung Thành với tùy bút “Đường chúng ta đi”, Nguyễn Thi với tùy bút “Dòng kinh quê hương”. Và còn rất nhiều tác giả, tác phẩm khác nữa.

Đặc điểm của thể loại tùy bút là gì?
Đặc điểm của thể loại tùy bút là gì?

Đặc điểm của thể loại tùy bút là gì?

Nếu như nhật ký viết về những vấn đề xảy ra thường ngày, hồi ký viết về những vấn đề đã xảy ra, thì đặc điểm của tùy bút lại viết về các đề tài hiện tại, nóng hổi, không thuộc quá khứ. Người viết đồng thời là người sống và suy nghĩ, cảm xúc về các sự kiện mà họ viết.

Cũng như trong hồi ký và nhật ký, đối tượng khách quan, trong tùy bút cũng yêu cầu được tái hiện xác thực nếu đó là những con người và sự kiện có địa chỉ chính xác và cụ thể.

Tuy nhiên, khác với nhật ký và hồi ký, sự kiện không nhất thiết được tái hiện theo trật tự thời gian. Thể loại tùy bút có thể có hoặc không có cốt truyện. Sự kiện có khi liên kết và phát triển trên những dòng của cốt truyện một cách chặt chẽ, cũng có thể tạn mạn dừng lắng tùy thuộc ý muốn của nhà văn. Tùy bút không đòi hỏi bức thiết sự phát triển liên tục của sự kiện.

So với nhật ký và hồi ký, tùy bút là thể văn mang nhiều yếu tố trữ tình, chính luận hơn cả. Nhà văn có thể thông qua một sự việc nhỏ hay lớn mà bộc lộ tâm tình của mình, phát biểu triết lý, đề ra những vấn đề cần thiết. Viết tùy bút, nhà văn cần vận dụng nhiều đến sự tưởng tượng, sự liên tưởng và cả sự hư cấu. Tuy nhiên phần tưởng tượng và hư cấu ấy chưa cao như trong truyện ngắn và tiểu thuyết.

Khổ văn tùy bút không tổng hợp nhiều con người, sự kiện, cảnh ngộ ở những nơi khác nhau để tái tạo và hư cấu nên những cốt truyện và những cảnh ngổ mới mà chủ yếu là suy nghĩ. Trong tùy bút có hai yếu tố quan trọng xác định giá trị của nhận thức là sự kiện khách quan và nghị luận trữ tình.

Tùy bút là một thể loại tùy hứng, vì vậy xét về nghệ thuật, nó mang phong cách nghệ thuật hết sức tự do, phóng khoáng và giàu chất trữ tình. Câu văn sử dụng trong thể loại tùy bút phải sinh động và giàu màu sắc tu từ hơn, tạo nên nhiều hình ảnh và nhịp điệu hơn.

Đọc tùy bút, ta cần tìm hiểu vấn đề và sự kiện mà nhà văn đề cập, nhưng quan trọng hơn là tìm hiểu sự suy nghĩ và phê phán của nhà văn đối với vấn đề đó.

Lời kết

Như vậy, chúng ta đã phần nào hiểu được khái niệm về thể loại tùy bút là gì cũng như các đặc điểm của tùy bút. Để rõ hơn về cách viết tùy bút, bạn có thể tìm đọc một số tác phẩm nổi tiếng như tùy bút “Sông Đà” của Nguyễn Tuân hay tùy bút “Đường chúng ta đi” của Nguyễn Trung Thành, v.v… mà Thế giới văn học đã giới thiệu ở bên trên.

Ngoài tùy bút ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về các thể loại dành cho văn học viết khác nhau như:

  1. Nhật ký là gì?
  2. Hồi ký là gì?
  3. Bút ký là gì?
  4. Truyện ngắn là gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*