Trang chủ Văn học Việt Nam Vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách là gì? Cách gieo vần trong thơ ca

Vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách là gì? Cách gieo vần trong thơ ca

Vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách là gì, và cách gieo vần trong thơ ca vừa đúng vừa hay là điều những người làm thơ cần phải biết.

Tìm hiểu về vần chân, vần lưng, vần liền và vần cách

Gieo vần là gì?

Gieo vần là cách chọn ra những tiếng có cùng vần (nhưng không đồng âm) với nhau, được sử dụng đúng theo các quy định của từng thể thơ. Mỗi thể thơ đều có một đặc điểm riêng biệt và người làm thơ phải tuân thủ theo những luật lệ ấy một cách bắt buộc. Chính vì thế, cách gieo vần ở mỗi thể thơ là khác nhau.

Ví dụ: Trong thơ lục bát, chữ cuối cùng của câu 6 sẽ gieo vần xuống chữ thứ 6 của câu 8. Và tiếp tục, chữ cuối cùng của câu 8 lại gieo vần xuống chữ cuối cùng của câu 6. Cách gieo vần như vậy sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi kết thúc bài thơ.

Chẳng han:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Để hiểu hơn về cách gieo vần trong thơ lục bát, hay những biến thể của thể thơ này, bạn đọc có thể xem thêm ⇒ TẠI ĐÂY!

Cách làm thơ lục bát
Cách làm thơ lục bát

Đối với Thơ Đường luật, chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6 và 8 sẽ gieo vần với nhau. Và trong thể thơ này, chỉ sử dụng một vần duy nhất (độc vận) để gieo. Ví dụ:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay!
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

(“Chạy giặc” – Nguyễn Đình Chiểu)

Gieo vần là gì?
Gieo vần là gì?

Trong thơ ca, có hai thanh vần được sử dụng là thanh vần bằng và thanh vần trắc. Các thi nhân xưa nay đa số đều sử dụng cách gieo vần bằng trong các sáng tác của mình vì bài thơ khi đọc lên có cảm giác thuận miệng, câu chữ mềm mại, giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha và ngọt ngào hơn vần trắc. Một số thể thơ cũng quy định bắt buộc phải sử dụng vần bằng khi hiệp vần. Ví dụ thường thấy nhất là đối với thơ lục bát.

Một số thể thơ, nhất là thơ tự do, thơ 5 chữ và thơ 7 chữ, có thể kết hợp cả cách gieo vần bằng lẫn vần trắc trong bài, nhưng vẫn phải tuân theo quy tắc vần bằng gieo xuống vần bằng, vần trắc gieo xuống vần trắc. Không thể dùng vần bằng mà gieo cho vần trắc (hay ngược lại) được. Ví dụ:

“Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mị Nương, xinh như tiên trên trần.”

(“Sơn Tinh, Thủy Tinh” – Nguyễn Nhược Pháp)

Trong ví dụ trên, các vần trắc là “ám” và “tám” gieo với nhau, còn các vần “thần” và “trần” cũng được gieo với nhau theo từng đôi.

Vần chân là gì?
Vần chân là gì?

Vần chân là gì?

Vần chân là vần được gieo vào âm tiết cuối cùng của dòng thơ, có tác dụng đánh dấu sự kết thúc dòng thơ và tạo nên mối liên kết giữa các dòng thơ với nhau.

Vần chân được coi là vần cơ bản và thường được sử dụng nhiều nhất, có mặt ở tất cả các thể thơ khác nhau, thậm chí trong các sáng tác ca khúc.

Ví dụ về vần chân:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!”

(“Tức cảnh Pác Bó – Nguyễn Ái Quốc)

Vần chân trong ví dụ trên là “hang”, “sàng” và “sang”, vì được gieo ở cuối mỗi dòng thơ.

Vần lưng là gì?
Vần lưng là gì?

Vần lưng là gì?

Vần lưng là vần được gieo ở giữa dòng thơ. Vần lưng đa số được sử dụng trong thể thơ lục bát và thơ tự do.

Ví dụ về vần lưng:

“Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.”

(Ca dao Việt Nam)

Ở trong câu ca dao trên, chữ “vàng” được gọi là vần lưng, vì nằm ở giữa câu thơ.

Vần liền là gì?
Vần liền là gì?

Vần liền là gì?

Vần liền là một dạng của vần chân (nghĩa là vần nằm ở chữ cuối cùng của một dòng thơ), nhưng có thêm điều kiện là câu thơ trên và câu thơ dưới được hiệp vần phải đứng liền kề với nhau, chính vì thế mới có tên gọi là vần liền.

Ví dụ về vần liền:

“Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi”.

(“Nắng mới” – Lưu Trọng Lư)

Trong ví dụ trên, chữ “thời” và “mười” vừa là vần chân, vừa là vần liền, vì chúng là 2 câu thơ liền nhau, được hiệp vần ở chữ cuối cùng.

Vần cách là gì?
Vần cách là gì?

Vần cách là gì?

Vần cách là một dạng khác nữa của vần chân, nghĩa là những vần ở cuối dòng thơ, được gieo xuống chữ cuối cùng cùng dòng thơ bên dưới, nhưng hai vần bị ngăn cách bởi 1 dòng thơ khác. Vì thế, những vần này mới có tên là vần cách, đúng với tính chất của nó.

Ví dụ về vần cách:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua“.

(“Ông đồ” – Vũ Đình Liên)

Trong ví dụ trên, vần cách tiếng trắc là “nở” và “đỏ”, vần cách tiếng bằng là “già” và “qua”. Mỗi cặp vần gieo với nhau cách nhau một dòng thơ.

Cách gieo vần hòa vận trong thơ ca
Cách gieo vần hòa vận trong thơ ca

Cách gieo vần hòa vận trong thơ ca

Ngoài tìm hiểu các khái niệm vần chân là gì, vần lưng là gì hay vần liền vần cách là gì, người làm thơ còn cần hiểu được 4 cách hòa vận để gieo vần trong thơ ca, đó là: chính vận, thông vận, cưỡng vận và lạc vận.

1. Chính vận

Chính vận là những vần ăn khớp chặt chẽ với nhau, gọi là những vần đồng âm. Sử dụng chính vận sẽ giúp bài thơ trở nên hay hơn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Điểm hạn chế là khiến các nhà thơ bị gò bó, câu từ kém linh động, đòi hỏi thi nhân phải có một vốn từ vựng hết sức phong phú.

Ví dụ: vần ai: sai, tai, trai, mai,…

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi“.

(“Mời trầu” – Hồ Xuân Hương)

Bài thơ trên sử dụng chính vận vì các chữ được hiệp vần ở cuối các câu 1, 2 và 4 lần lượt là “hôi”, “rồi”, “vôi” đều sử dụng chung vần “ôi”

2. Thông vận

Thông vận là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút nhưng có thể tương thông với nhau.

Ví dụ: ang với oang,
em với êm, iêm, im,…
ong với ông, ung, ưng,…

“Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình có lục còn truyền sử xanh”.

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Ở đoạn thơ trên, vần trong các chữ “phong”, “hồng” và “đèn”, “truyền” được gọi là thông vận.

3. Cưỡng vận

Cưỡng vận là sự miễn cưỡng sử dụng các vần với nhau, chỉ được dùng khi nhà thơ rơi vào các trường hợp bí vận, nhưng sẽ làm giảm mất giá trị của bài thơ.

Ví dụ: an với ang, ôn với ôm, in với inh,…

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

(“Mùa xuân chín” – Hàn Mặc Tử)

Vần trong các chữ “tan” và “vàng” miễn cưỡng đi với nhau, nhưng có rất ít sự liên quan, nên được gọi là cưỡng vận.

4. Lạc vận

Lạc vận là trường hợp đang dùng vần này lại gieo sang vần khác, không có chút liên quan.

Ví dụ: ai ới an, ơi, với ơn, ôn với ông,…

“Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cánh này cho chưa?
Mối tình đòi đoạn vò ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.”

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Đoạn thơ trên được gọi là lạc vận, vì chữ “chưa” gieo xuống chữ “tơ” sử dụng hai vần không có chút gì liên quan đến nhau.

Đặc điểm của mỗi cách hòa vận

  • Chính vận thường chặt chẽ, nhưng khó làm. Để sử dụng chính vận được tốt, đòi hỏi người làm thơ phải có một vốn từ vựng phong phú, kèm theo cách chọn từ đặc sắc.
  • Thông vận có phần thoải mái, dễ làm, giúp bài thơ có nhiều từ ngữ lựa chọn hơn.
  • Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ
  • Sử dụng lạc vận thì thơ không còn là thơ nữa, làm giá trị của bài thơ.

Như vậy, để một bài thơ hay và chặt chẽ, nên sử dụng chính vận để gieo vần. Ngoài ra có thể sử dụng thông vận (nếu muốn) để có thêm nhiều lựa chọn vần, giúp cho câu từ thêm phong phú.

Cưỡng vận và lạc vận sẻ làm giảm đi giá trị của bài thơ. Nhất là lạc vận không nên sử dụng.

Thanh bằng và thanh trắc là gì?
Thanh bằng và thanh trắc là gì?

Thanh bằng và thanh trắc trong thơ ca

Như vậy, thông qua bài viết này, Thế giới văn học đã cùng bạn làm rõ các khái niệm vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách là gì, cũng như cách gieo vần, hòa vận trong thơ ca. Mỗi vần đều có những đặc điểm riêng và cách hòa vận khác nhau.

Để làm thơ hay, ngoài việc tìm hiểu về các loại vần, còn hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng thanh bằng và thanh trắc, nhằm mục đích khi chúng kết hợp với nhau sẽ tạo nên những âm điệu hay và chất nhạc trong thơ ca.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*