Trang chủ Văn học dân gian Việt Nam Truyện truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy

Truyện truyền thuyết An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy

“An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy” là câu chuyện truyền thuyết, cho chúng ta hiểu hơn về sự tích thành Cổ Loa cũng như sự tích nỏ thần.

Truyện “An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy”

Sự tích thành Cổ Loa

Sau khi diệt được nước Văn Lang của vua Hùng, An Dương Vương đổi tên nước là Âu Lạc, lên làm vua, nhằm xây thành ở đất Việt Thường [1] để phòng giặc. Nhà vua rất buồn rầu và bực tức vì thành cứ đắp lên lại đổ xuống, xây mãi không xong. Vua bèn lập đàn, trai giới [2] và cầu khấn các thần linh.

Ngày mồng bảy tháng ba, bỗng có một cụ già từ phương Đông tới trước của thành mà than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ xong được!”.

Vua mừng rỡ đón vào trong điện, tiếp đón và hỏi rằng: Ta đắp thành này bao lần băng lở, tốn nhiều công sức mà không xong, thế là cớ làm sao?”.

Cụ già đáp: “Tâu nhà vua, sẽ có sứ Thanh Giang [3] tới giúp nhà vua xây dựng thì việc mới mong thành”. Dứt lời, cụ già từ biệt ra về.

Hôm sau, vua ra cửa chờ, chợt thấy một con Rùa Vàng từ phương Đông lại, nổi trên mặt nước, nói sõi tiếng người, tự xưng là sứ Thanh Giang, thông tỏ việc trời đất, quỷ thần. Vua rước rùa vào thành, mời ngồi trên điện và hỏi vì sao xây thành không được.

Rùa Vàng đáp: “Cái tinh khí ở núi là này con vua đời trước [4], đang nuôi chí báo thù. Lại có con gà trắng sống hàng nghìn năm, hóa thành một con tinh, khi ẩn khi hiện ở núi Thất Diệu [5]. Gần đây, nó nhập vào hồn người con gái một chủ quán bên đường; nó thường biến hóa muôn hình vạn trạng và giết hại khá nhiều khách qua lại. Người ra, trong núi lảng vảng nhiều ma quỷ, vốn là âm hồn những quan quân triều trước; tất cả đều ngăn cản việc nhà vua xây thành. Nay chỉ cần giết con gà trắng thành tinh kia là trấn áp được tất cả ma quỷ. Lúc đó, cái tinh khí của ma quỷ sẽ hợp lại hóa ra một con chim cú, ngậm lá thư bay lên trên cây chiên đàn để tâu với thượng đế xin phá thành. Thần sẽ xin cắn rơi lá thư, nhà vua tức tốc nhặt lấy, thành sẽ xây được”.

Theo kế của Rùa Vàng, nhà vua giả làm kẻ hành khất nghỉ trọ ở nhà lão quán nọ, rồi bàn mưu giết được gà trắng. Trời gần tối, vua và Vùa Vàng lên núi Việt Thường thì quả nhiên thấy ma quỷ đã biến thành con chim cú sáu chân, ngậm lá thư bay lên cây chiên đàn. Rùa Vàng liền hóa thành con chuột đen theo sau, cắn vào chân cú, lá thư rơi xuống đất, vua vội nhặt lấy. Từ đó ma quỷ biến mất và thành xây nửa tháng thì xong. Thành đó rộng hơn nghìn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên đời sau gọi là Loa Thành.

Rùa Vàng ở lại ba năm, rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng khuyên nhà vua nên lo sửa đức để giữ gìn non sông và tháo vuốt đưa cho nhà vua để làm nỏ thần: “Đem vật này làm lẫy nỏ nhằm giặc mà bắn, giặc sẽ tan”.

Dứt lời, Rùa trở về biển Đông. Vua sai Cao Lỗ [6] làm nỏ, lấy vuốt thần làm lẫy, bắn rất  linh nghiệm nên gọi là “Nỏ thần Kim Quy” [7].

Câu chuyện Mị Châu, Trọng Thủy

Ít lâu sau, Triệu Đà từ phương Bắc đem quân sang cướp phá nước ta. An Dương Vương nhờ có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn người, nên làm cho Triệu Đà phải thất bị, mặc dù Triệu Đà có tướng mạnh quân đông. Triệu Đà biết An Dương Vương có nó thần đành phải sai sứ xin hòa.

Bấy giờ, An Dương Vương có người con gái tên là Mị Châu, Triệu Đà nhân thể hỏi cho con trai mình là Trọng Thủy. An Dương Vương vô tình không biết đó là âm mưu của giặc, bằng lòng gả Mị Châu và cho Trọng Thủy đến gửi rể.

Đôi vợ chồng trẻ rất yêu nhau. Trọng Thủy theo kế của cha dỗ dành Mị Châu cho xem nỏ thần, rồi ngầm làm một cái lẫy nỏ giả thay vuốt Rùa Vàng. Công việc xong xuôi, Trọng Thủy nói dối xin về phương Bắc thăm cha.

Buổi chia tay, Trọng Thủy nói với vợ: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Nay ta trở về thăm nhà. Nếu như không may hai nước xảy ra việc binh đao [8], Bắc – Nam cách trở, ta lại tìm nàng, thì lấy gì làm dấu?”.

Mị Châu nghẹn ngào chỉ vào áo của nàng và nói: “Thiếp là phận gái, gặp cảnh loạn li thì đau xót biết chừng nào! Thiếp có áo lông ngỗng [9] thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau”.

Trọng Thủy mang lẫy thần về nước. Triệu Đà cả mừng, bèn cất binh sang đánh. An Dương Vương cậy có nỏ thần, nghe tin giặc đến, vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?”.

Quân Đà tiến sát, nhà vua lấy nỏ ra bắn, thấy lẫy thần đã mất, bèn bỏ chạy. Vua đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa, rồi thúc ngựa trốn về phương Nam. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng mà đuổi.

Nhà vua chạy tới bờ biển [10] cùng đường, thuyền bè không có, bèn than rằng: “Trời hại ta. Trời hại ta. Sứ Thanh Giang ở đâu, mau mau cứu ta”.

Nháy mắt, Rùa Vàng hiện lên mặt nước và thét lớn: “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”.

Nhà vua biết rõ sự tình, nổi giận tuốt gươm chỉ Mị Châu. Mị Châu quỳ xuống khấn rằng: “Thiếp [11] là phận gái, ví có lòng phản trắc, mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành hạt bụi; còn một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành ngọc châu để tỏ dạ trắng trong”.

Giết Mị Châu rồi, An Dương Vương cầm sừng tê giác bảy tấc và được Rùa Vàng rẽ nước, dẫn đi xuống biển.

Quân Đà kéo tới không thấy dấu vết gì, chỉ còn lại xác Mị Châu. Trọng Thủy ôm xác vợ về táng ở Loa Thành. Từ đó, ngày đêm Trọng Thủy thương tiếc Mị Châu khôn cùng, thẫn thờ như ngây như dại, rồi một hôm lao đầu xuống giếng [12] mà chết.

Vì mối oan tình cho nên máu Mị Châu chảy ra biển, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Người đời sau mò ngọc đó ở biển Đông, đưa về lấy nước giếng Loa Thành nơi Trọng Thủy chết mà rửa thì ngọc càng sáng thêm.

Câu chuyện “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy”
Truyện truyền thuyết Việt Nam

Ý nghĩa truyện “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy”

Theo sử sách, vua Thục [13] là Thục Phán, sau khi cử binh đi đánh Hùng vương, chinh phục được Văn Lang đã hợp nhất hai nước với nhau, đặt tên là Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương, đóng đô, xây thành ở đất Phong Khê. Ông đã đánh tan nhiều cuộc xâm lăng của nhà Tần sang xâm lược nhưng cuối cùng lại thất bại một cách đau xót, đánh mất giang sơn xã tắc bởi sự chủ quan, khinh địch của mình.

Câu chuyện truyền thuyết “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ” trện đây được biên soạn lại dựa theo “Lĩnh Nam chích quái”, có tham khảo “Việt điện u linh” và “Lược khảo về thần thoại Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi. Truyện này, trong “Lĩnh Nam chích quái” có tên là “Rùa Vàng”, nhưng thật ra nhân vật chính ở đây là An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ nên tiêu đề đã được thay đổi lại cho sát với nội dung hơn.

Câu chuyện là bài học kinh nghiệm xương máu cho chúng ta, mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

  1. Truyền thuyết “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ” kể về sự hình thành của đất nước Âu Lạc, cùng những năm tháng bảo vệ và xây dựng đất nước của vua An Dương Vương.
  2. Truyện nhắc nhở về về vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu đất nước, luôn phải có ý thức cảnh giác đối với kẻ thù, có tầm nhìn xa rộng và quyết sách đúng đắn đối với vận mệnh của dân tộc. Không nên dựa vào sức mạnh và vũ khí mà chủ quan, khinh địch.
  3. Trong quan hệ tình cảm, phải có cách giải quyết mối quan hệ riêng và chung đúng mực, có sự phân biệt rạch ròi giữa tình nhà với trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của đất nước. Đừng nặng về tình riêng mà quên cái chung, phải biết hy sinh tình cảm riêng để giữ cho trọn vẹn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
  4. Hình ảnh ngọc trai và giếng nước mang tính nhân văn cao cả, thể hiện sự thương cảm, nhân dân muốn giải bớt nỗi oan tình cho Mị Châu, người con gái ngây thơ, trong trắng, vô tình mà đắc tội với non sông chứ không chủ ý hại vua cha. Vừa thấu tính đạt lí, vừa nghiêm khắc vừa nhân ái đối với con người lầm lỗi. Nhân dân ta với tấm lòng bao dung, vị tha luôn rộng lòng tha thứ cho những người vô tình phạm tội như Mị Châu hay những kẻ biết ăn năn hối hận như Trọng Thuỷ.
  5. Hình tượng Rùa Vàng và nỏ thần trong câu chuyện “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thuỷ” tượng trưng cho hồn thiêng sông núi, cho tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của nhân dân. Các yếu tố thần kì trong truyện thể hiện đánh giá của nhân dân, đề cao công lao của An Dương Vương trong giai đoạn đầu của công cuộc dựng nước và giữ nước.

Chú thích trong câu chuyện

  1. Việt Thường: theo các thư tịch cũ thì Việt Thường ở vùng Diễn Châu, Nghệ An. Ở đó, xưa kia An Dương Vương có xây Việt Vương Thành. Ở huyện Đông Anh (Hà Nội) lại có ngôi thành Cổ Loa.
  2. Trai giới: tức là kiêng kị cho trong sạch theo lễ nghi cúng tế thời xưa.
  3. Thanh Giang: chữ Hán có nghĩa là là “sông trong”, đây chỉ nơi Rùa Vàng ở.
  4. Con vua đời trước: chỉ con cháu vua Hùng, bị An Dương Vương diệt.
  5. Núi Thất Diệu: thuộc xã An Khang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
  6. Cao Lỗ: một người tướng tài của An Dương Vương, trong Việt điện u linh tập hay Thiên Nam ngữ lục đều có nhắc tới.
  7. Kim Quy: (chữ Hán) nghĩa là Rùa Vàng.
  8. Xảy việc binh đao: tức là xảy việc đánh nhau.
  9. Áo lông ngỗng: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chép là nệm (nệm gấm vó câu). Nguyễn Đổng Chi chép là gối (Tôi có cái gối nhồi lông ngỗng). Nhưng sử và Lĩnh Nam chích quái đều chép là áo, vậy xin chép cho đúng như xưa.
  10. Bờ biển: hiện nay ở núi Mộ Dạ thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An), dọc đường quốc lộ 1 vào Vinh còn có đền thờ An Dương Vương, tục gọi là đền Công.
  11. Đây là lời Mị Châu tự khấn vái, thề nguyền.
  12. Giếng: hiện nay ở Cổ Loa còn dấu vết cái giếng gọi là giếng Trọng Thủy.
  13. Vua Thục: nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục (Ba Thục) bên Trung Quốc ngày trước, mà là một họ độc lập nào ở gần nước Văn Lang. Có một số tài liệu cho rằng An Dương Vương là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ ngày trước cầu hôn lấy Mị Nương là con gái Hùng Vương nhưng không được gả nên mang oán. Sau này Thục Phán cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, mới cải tên nước thành Âu Lạc.
Truyện truyền thuyết Việt Nam
Truyện truyền thuyết Việt Nam

Kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam

Ngoài truyện truyền thuyết “An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy” kể trên, còn có rất nhiều các câu chuyện truyền thuyết Việt Nam hấp dẫn được Thế giới văn học sưu tầm và chọn lọc. Những câu chuyện này giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những nhân vật lịch sử và giải thích nguồn gốc của các phong tục, tập quán, địa danh,… tại Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội tiếp cận và thấy thêm yêu các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất tại Thế giới văn học!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

1 bình luận