Trang chủ Blog Văn học Khái quát về nền văn học Việt Nam

Khái quát về nền văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam cũng như văn học của các nước khác, bao gồm hai bộ phận lớn phát triển song song, đó là văn học dân gian và văn học viết.

Nền văn học Việt Nam

Nước ta có một nền văn học phát triển khá sớm. Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt của lịch sử, đặc biệt là nạn ngoại xâm, nền văn học ấy vẫn giữ được bản sắc riêng và chứng tỏ có một sức sống bền bỉ, mãnh liệt.

Nước Việt Nam phát triển cho đến ngày nay, bao gồm nhiều dân tộc gắn bó với nhau. Dân tộc nào cũng có văn học của dân tộc ấy (thành văn hay chưa thành văn), tất cả góp chung lại, tạo nên trên đất nước này một nền văn học đa dạng với nhiều màu sắc dân tộc.

Một số dân tộc thiểu số đã có văn học viết, nhất là từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Tuy nhiên, tính cho đến nay, thành tự văn học độc đáo, xuất sắc nhất, phong phú nhất của các dân tộc thiểu số vẫn là những sáng tác dân gian.

Về văn học viết (hay văn học thành văn), đóng góp của người Việt dồi dào và tiêu biểu hơn cả. Vì thế, trừ văn học dân gian, lịch sử văn học Việt Nam lấy sáng tác của người Việt làm bộ phận chủ đạo.

Các thành phần cấu tạo của nền văn học Việt Nam

Nhìn một cách tổng quát, nền văn học nước ta gồm có hai bộ phận lớn phát triển song song và luôn có ảnh hưởng qua lại sâu sắc, đó là văn học dân gian và văn học viết.

1. Văn học dân gian

Văn học dân gian nằm trong tổng thể văn hóa dân gian, ra đời từ thời viễn cổ và tiếp tục phát triển về sau này. Bộ phận văn học này gồm những truyện thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện thơ dân gian, truyện cười, truyện ngụ ngôn, câu đố, tục ngữ, ca dao – dân ca, vè và tuồng, chèo dân gian, phần lớn do người bình dân sáng tác theo lối truyền miệng (sau này được các nhà trí thức sưu tầm, ghi chép lại).

Nền văn học dân tộc nào cũng có văn học dân gian. Ở Việt Nam, văn học dân gian có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và ở thời kỳ dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, nó có đóng góp lớn trong việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn nhân dân. Tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc của văn học dân gian từ nội dung đến hình thức có tác động to lớn tới sự hình thành và phát triển của văn học viết.

2. Văn học viết

Văn học viết do những trí thức tài hoa sáng tạo nên, chính thức ra đời từ khoảng thế kỷ thứ X như một bước nhảy vọt của tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Nó đóng vai trò chủ đạo và thể hiện những nét chính của diện mạo nền văn học dân tộc.

Cho đến khoảng đầu thế kỷ XX, nó gồm có hai thành phần tồn tại song song và cũng có quan hệ qua lại mật thiết: thành phần chữ Hán và thành phần chữ Nôm. Thành phần chữ Hán có thơ và văn xuôi. Thành phần chữ Nôm hầu như chỉ có thơ.

Văn chương chữ Hán ra đời ngay từ buổi đầu của nền văn học viết. Tuy viết bằng chữ Hán, thành phần văn học này vẫn là văn chương Việt Nam, vẫn đậm đà tính dân tộc (chữ Hán nhưng lối đọc chuyển dần theo quy luật ngữ âm Việt Nam nên gần gũi với tiếng nói của người Việt Nam. Tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học Trung Quốc, nhưng căn bản vẫn thể hiện hiện thực Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, vẻ đẹp và tài hoa Việt Nam,…).

Văn học viết bằng chữ Nôm (một cách ghi âm tiếng Việt bằng vật liệu chữ Hán) ra đời muộn hơn (chữ Nôm chắc ra đời sớm, nhưng văn học Nôm phải đến khoảng thế kỷ XIII mới xuất hiện) khi ý thức dân tộc và tinh thần nhân dân đã phát triển cao hơn ở các tầng lớp trí thức. Nó trưởng thành nhanh chóng và sáng tạo được nhiều tác phẩm nổi tiếng, sản sinh được nhiều tác giả lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực thơ ca.

Đến đầu thế kỷ XX, thành phần văn học chữ Hán tuy ít nhiều vẫn còn nở hoa kết trái (trong dòng văn thơ yêu nước và cách mạng) nhưng rồi nhanh chóng mất vị trí trong nền văn học đất nước.

Từ khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, văn học viết nước ta hầu như chỉ còn được sáng tác bằng tiếng Việt và ghi âm bằng chữ cái Latinh, gọi là chữ Quốc ngữ (thay cho chữ Nôm). Nói như vậy không có nghĩa là từ đó về sau không còn ai sáng tác bằng chữ Hán nữa. Nhưng nếu có thì cũng chỉ là một vài trường hợp đặc biệt (tập thơ “Nhật kí trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng hạn).

Trong thời kỳ Pháp thuộc, cũng có xuất hiện một số tác phẩm của người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, những tác phẩm ấy chưa đủ tạo nên một thành phần đáng kể trong nền văn học dân tộc.

3. Kết luận

Hai bộ phận văn học viết và văn học dân gian luôn có tác động qua lại. Khi những tinh hoa của hai bộ phận này kết tinh lại ở những cá tính nào đó, trong những điều kiện lịch sử nhất định, thì đất nước lại được thấy sự xuất hiện của những thiên tài văn học với những áng văn bất hủ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*