Trang chủ Văn học dân gian Việt Nam Cóc kiện Trời (Truyện thần thoại Việt Nam)

Cóc kiện Trời (Truyện thần thoại Việt Nam)

“Cóc kiện Trời” là truyện thần thoại lí giải vì sao khi cóc nghiến răng trời sẽ mưa, và nói lên ước mơ chinh phục tự nhiên của cha ông ta.

Câu chuyện “Cóc kiện Trời”

Ngày xửa ngày xưa, không nhớ rõ năm nào, đời nào, trời hạn hán rất lâu, ruộng đồng khô sạch, cỏ cây chết đứng, trụi cả lá, các loài vật không còn tìm đâu ra nước uống.

Cóc thấy nguy quá, bèn lên Thiên đình (1) kiện Trời. Đi được một quãng, gặp Cua, Cua hỏi đi đâu, Cóc kể rõ sự tình, Cua xin theo. Đến một khu rừng, lại gặp Gấu và Cọp. Gấu và Cọp cũng khát khô cuống họng, đang nằm dài chờ chết. Thấy Cóc và Cua dắt nhau đi, Gấu và Cọp hỏi nguyên do (2), Cóc đáp:

– Chúng ta sắp chết khát cả. Phen này phải lên trời hỏi xem sao. Các anh có đi thì cùng đi!

Gấu và Cọp đồng thanh nói:

– Thế thì cho chúng tôi đi với! Anh em chúng ta sống chết có nhau.

Một lúc, lại gặp Ong và Cáo. Ong và Cáo cũng năn nỉ xin theo. Thế là cả bọn kéo nhau lên Thiên đình. Đến cửa Thiên đình, thấy một cái trông to đặt ở đấy, Cóc bảo cả bọn:

– Anh Cua, anh vào trong chum nước này. Chú Ong, chú núp sau cánh cửa, còn anh Cáo, bác Gấu, bác Cọp thì ra phía sau chờ đấy.

Sắp đặt xong, Cóc một mình bước tới lấy dùi đánh ba hồi trống.

Ngọc Hoàng (3) rất đỗi ngạc nhiên, sai Thiên Lôi (4) ra xem. Nhìn quanh quất không thấy ai cả, chỉ thấy một chú Cóc xấu xí, bé nhỏ, ngồi chễm chệ trên mặt trống. Thiên Lôi trở vào tâu Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng tức giận, ra lệnh thả Gà ra mổ con Cóc hỗn xược ấy cho chết.

Gà vừa chạy đến, Cóc ra hiệu cho Cáo ở đằng sau nhảy tới, cắn cổ cắp đi. Ngọc Hoàng càng tức giận sai Chó ra cắn Cóc. Chó vừa xông ra khỏi cửa, Cóc làm hiệu cho Gấu tiến lên, bóp Chó chết tươi. Tin đến Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng phải cho Thiên Lôi ra trị Gấu. Thiên Lôi cầm lưỡi tầm sét (5) hùng hổ xông ra. Chưa kịp ra tay, Ong ở sau cửa đã bay lên đốt túi bụi (6). Thiên Lôi nhảy vào chum nước tránh cho Ong khỏi đốt thì bị Cua ở trong chum cắp khiến hắn la hét inh ỏi và nhảy ra ngoài. Hắn đang bối rối, chưa biết làm sao thì đã bị Cọp vồ, xé xác.

Ngọc Hoàng túng thế đành nhượng bộ (7), mời Cóc vào. Cóc tâu:

– Muôn tâu Thượng đế (8), đã ba bốn năm rồi, dưới trần gian (9) không hề được một giọt mưa. Vạn vật khô héo cả. Nếu kéo dài mãi thì không còn một sinh vật nào sống sót.

Ngọc Hoàng sợ trần gian nổi loạn, dịu giọng nói:

– Nhà ngươi về đi, ta sẽ lệnh cho mưa xuống.

Và dặn thêm:

– Hễ khi nào dưới trần nắng hạn lâu ngày, thì cứ nghiến răng báo hiệu nhắc ta.

Ngọc Hoàng phán xong sai Rồng phun mưa xuống. Cóc về đến trần thì nước đã xăm xắp ruộng đồng. Từ đó về sau, hễ Cóc nghiến răng là trời sắp mưa. Trong dân gian có câu hát:

"Con Cóc là cậu ông Trời,
Hễ ai đánh Cóc thì Trời đánh cho".

Câu chuyện “Cóc kiện trời”
Trương Chính kể
Truyện thần thoại Việt Nam

Truyện "Cóc kiện Trời"
Truyện “Cóc kiện Trời”

Chú thích trong truyện

  1. Thiên đình: triều đình của Ngọc Hoàng ở trên trời.
  2. Nguyên do: nguồn gốc, nguyên cớ. Hỏi nguyên do: hỏi rõ đầu đuôi sự việc, duyên cớ của sự việc.
  3. Ngọc Hoàng: vua nhà trời.
  4. Thiên Lôi: thần Sét.
  5. Lưỡi tầm sét: lưỡi búa của Thiên Lôi, dùng để gieo sấm sét.
  6. Đốt túi bụi: đốt dồn dập không ngớt lúc nào, không hở chỗ nào.
  7. Nhượng bộ: nhường bước, tức là nhường nhịn, nhường phần hơn cho người.
  8. Thượng đế: như Ngọc Hoàng ở chú giải (3).
  9. Trần gian: cõi trần, cõi đời.

Ý nghĩa câu chuyện “Cóc kiện Trời”

“Cóc kiện Trời” là một truyện thần thoại, cũng có thể được xếp vào thể loại truyện cổ tích do sự giao thoa giữa 2 thể loại văn học dân gian này. Câu chuyện được nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam vô cùng yêu thích, và là một trong những truyện dân gian rất nổi tiếng của nước ta.

Trước hết, truyện đề cao sức mạnh của lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết trong cuộc sống. Muôn loài (Cóc, Cua, Gấu, Cọp, Ong và Cáo) kéo nhau lên Thiên đình kiện Trời và cùng hợp sức đánh bại quân tướng của Ngọc Hoàng, trong đó có cả Thiên Lôi, vị thần nổi tiếng trong thần thoại Việt Nam sở hữu sức mạnh kinh thiên động địa. Tuy nhiên, trong một vài lần hiếm hoi, Thiên Lôi cũng phải nhận lấy thất bại ê chề, nhục nhã. Chẳng hạn như từng bị một người dưới trần gian là Cường Bạo đánh cho một trận nhừ tử (⇒ Xem thêm truyện “Cường Bạo đại vương đánh thần Sét”).

Truyện còn có ý giải thích cho chúng ta biết một hiện tượng quen thuộc xảy ra trong tự nhiên, đó là mỗi khi cóc nghiến răng thì dự báo trời sẽ chuẩn bị có một trận mưa rất to đổ xuống.

Giống như câu chuyện truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, truyện “Cóc kiện Trời” cũng thể hiện mơ và khát vọng chinh phục tự nhiên, cũng như mong muốn có được cuộc sống lao động yên ổn, không bị thiên tai tàn phá của người xưa.

Kho tàng truyện thần thoại Việt Nam

Truyện thần thoại là một trong những thể loại văn học dân gian được rất nhiều người yêu thích, nhất là các em nhỏ. Truyện thường kể về nguồn gốc sự vật, hoặc đời sống của các vị thần có nhiều phép lạ. Họ có khả năng làm nên những công việc kỳ vĩ, lớn lao cho nhân loại. Qua đó có ý giải thích một số hiện tượng tự nhiên cũng như khát vọng chinh phục tự nhiên của cha ông ta thuở trước.

Ngoài câu chuyện “Cóc kiện Trời” kể trên, Thế giới văn học còn sưu tầm và tuyển chọn rất nhiều những câu chuyện thần thoại Việt Nam hấp dẫn khác. Hãy cùng khám phá thế giới của các vị thần tại TheGioiVanHoc.com!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*