Trang chủ Blog Văn học Ca dao Việt Nam và các làn điệu dân ca

Ca dao Việt Nam và các làn điệu dân ca

Ca dao, dân ca Việt Nam là gì? Hay nội dung và nghệ thuật sử dụng trong ca dao và dân ca là gì sẽ được phân tích chi tiết trong bài viết này.

Tìm hiểu về ca dao và dân ca Việt Nam

Trong kho tàng thơ văn dân gian nước ta, ca dao và dân ca chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Cũng giống như đối với truyện cổ dân gian, ca dao và dân ca đều là những sáng tác của quần chúng nhân dân, tập trung phản ánh đời sống và tâm hồn những người lao động trong quá trình đấu tranh chống thiên nhiên để đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh chống giai cấp thống trị áp bức bóc lột để bảo vệ thành quả lao động, phát triển đời sống xã hội.

Qua bài viết này, TheGioiVanHoc.com sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn ca dao, dân ca là gì, cũng như những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật thường được cha ông ta sử dụng trong các bài ca dao, dân ca Việt Nam.

Ca dao là gì?
Ca dao là gì?

Ca dao là gì?

Ca dao là một bộ phận quan trọng trong nền văn thơ dân gian Việt Nam. Ca dao thường được sáng tác dựa trên những bài thơ ngắn viết bằng thể văn vần dân tộc (chủ yếu viết bằng thể thơ lục bát), do nhân dân sáng tác ra từ đời này qua đời khác để phán ánh mọi mặt cuộc sống của nhân dân.

Có thể nói, ca dao là những câu hát dân gian biểu hiện những cảm nghĩ của người dân thường, người làm ruộng, người làm thợ, v.v… trong xã hội; của người mẹ, người vợ, người con trong gia đình; về thân phận cuộc đời họ và về những đối tượng thân thuộc, yêu thương của họ.

Dân ca là gì?
Dân ca là gì?

Dân ca là gì?

Trong sinh hoạt ca hát của nhân dân, ca dao được hát theo những điệu hát, lói hát của các địa phương, các nghề nghiệp. Người ta gọi đó là dân ca.

Dân ca Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Ở miền Bắc có Quan họ Bắc Ninh, Hát Xoan Phú Thọ, Hát Ghẹo Thanh Hóa, Hát Phường Vải và Hát Giặm Nghệ Tĩnh, v.v…; ở Nam Bộ có Hát đối và nhiều điệu Lí; khắp Bắc, Trung, Nam, nhất là miền Trung và miền Nam đều có những điệu Hò, đặc biệt là những điệu Hò Sông nước, Hò Khoan; các dân tộc anh em đều có những điệu hát, lối hát dân ca đặc sắc của mình.

Giữa ca dao và dân ca có mối quan hệ vô cùng mật thiết, gần gũi. Vì thế, ca dao có thể chuyển thành các làn điệu dân ca; hoặc như một số bài dân ca nếu bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy, làn điệu sẽ trở thành ca dao. Nhiều câu ca dao đã đi qua con đường như thế.

Chẳng hạn như câu ca dao:

“Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

có thể chuyển thành một câu dân ca theo điệu hát Trống quân, hát Quan họ, theo các điệu hò của miền Trung, v.v…

Nội dung trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?
Nội dung trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?

Nội dung trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?

Nội dung trong ca dao, dân ca rất đa dạng và phong phú, phản ánh mọi mặt đời sống lao động sản xuất và đấu tranh xã hội của nhân dân lao động từ xưa đến nay. Mỗi loại tuy có những nét riêng, nhưng tựu chung lại đều có những điểm chung như sau:

1. Ca dao, dân ca với lao động sản xuất

Nhân dân ta lâu đời sống bằng nghề nông đã phải đấu tranh gian khổ để chinh phục tự nhiên, để biến sỏi đá thành cơm gạo. Ca dao, dân ca xuất hiện trong quá trình lao động cần cù dũng cảm đó của ông cha ta. Nhiều câu ca dao, dân ca nói về thời tiết, chài lưới, chăn nuôi, nhất là trồng trọt.

Những bài ca dao, dân ca về lao động đã nêu lên tinh thần lao động cần cù, dũng cảm của nhân dân ta từ xưa đến nay. Trên đồng ruộng dẫu có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người nông dân vẫn luôn lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi đẹp:

“Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.

Những năm tháng không gặp mưa thuận gió hòa, con người đã ráng đem sức mình chống lại thiên tai.

“Nước sông ngòi bắt quanh về ruộng
Nước ao hồ bắt uấn đường mương”.

Có những câu ca, bài hát nói về kinh nghiệm sản xuất, về công việc lao động, về lịch nông nghiệp, ngư nghiệp,… Đặc biệt có những bài ca gọi nghé, vực trâu. Nẻo rừng, góc bể, trên đồng, dưới sông, đâu đâu cũng vang lên giọng hát, câu hò của người lao động.

Ca dao, dân ca vốn bắt nguồn từ công việc và động tác lao động, từ nguồn cảm hứng khi lao động, rồi trở lại phục vụ và động viên lao động.

2. Ca dao, dân ca Việt Nam trong quan hệ gia đình, xã hội và đấu tranh giai cấp

Dưới chế độ cũ, nông dân chống lại sự ràng buộc của mọi phong tục, tập quán cổ hủ, nào ma chay, cheo cưới, việc làng, việc họ với nạn “xôi thịt” nặng nề. Họ chống vua chúa, quan lại, tổng lí, địa chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”.

Những bài ca dao, dân ca nói về đấu tranh giai cấp trong xã hội, đả kích giai cấp thống trị phong kiến: địa chủ, vua quan tàn bạo áp bức bóc lột nhân dân:

“Con ơi nhớ lấy câu này:
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.

Có những bài ca dao, dân ca phản ánh cảnh sống khổ cực của nhân dân ta dưới thời thuộc Pháp có giá trị tố cáo tội ác của lũ thực dân, phát xít, khơi sâu lòng căm thù bè lũ đế quốc xâm lược. Chính vì vậy mà trong kháng chiến, nhân dân ta đã quyết không đội trời chung với chúng:

“Một lời nói tựa nhát dao
Thề cùng giặc Pháp, có tao không mày”.

Bằng phương pháp trào phúng, nhiều bài ca dao đã châm biếm một cách sâu sắc những thói hư tật xấu trong đời sống: chống tham lam, lười biếng và các thói xấu khác, đả kích mê tin, chế giễu giai cấp thống trị, v.v… Nội dung ẩn chứa trong các bài đó luôn có tính chiến đấu mạnh mẽ.

Với cái thế vững vàng như “kiềng ba chân”, như “ba cây chụm lại”, người nông dân đã đoàn kết đấu tranh chống lại giai cấp thống trị. Tinh thần đấu tranh kiên quyết, tinh thần lạc quan của nông dân ta là những truyền thống quý báu mà ca dao, dân ca đã ghi lại.

3. Ca dao, dân ca thể hiện đời sống tình cảm của nhân dân lao động

Nhân dân ta có một tâm hồn nghệ sĩ. Họ ca ngợi cảnh đẹp đất nước, cảnh đẹp thiên nhiên, cảnh đẹp đồng ruộng bát ngát dưới “ánh hồng ban mai”, cảnh sông Hương “gió đưa cành trúc la đà…”.

Những cảnh vật cụ thể ấy được họ ca ngợi để rồi lắng đọng lại trong tâm hồn yêu nước thiết tha:

“Lờ đờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng nhắn tình nước non”.

Qua lao động sản xuất, nhân dân lao động làm nảy nở ra những quan hệ nhiều mặt giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, giữa người với quê hương đất nước. Là phương tiện để bộc lộ tình cảm, những bài ca dao hay dân ca Việt Nam đã nêu lên mọi cảm xúc của người dân lao động trong đời sống gia đình và xã hội, trong quá trình lao động và đấu tranh.

Tình cảm đối với gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết dân tộc đã được phản ánh trong ca dao một cách sâu sắc, mặn mà:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Những tình cảm truyền thống tốt đẹp đó đã có tác dụng thúc đẩy cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta:

“Cho dù giặc Mĩ trăm tay
Quyết không chia được đất này làm hai.
Cho dù cạn nước Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ không sai tấc lòng”.

Yêu nước còn là yêu đồng bào, yêu dân tộc, “người trong một nước thì thương nhau cùng”. Từ tình cảm rộng lớn ấy cho đến tình cảm trong gia đình đều thắm đượm trong con người lao động. Họ ca ngợi mối tình thắm thiết, như mối tính mẹ con:

“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín điều ruột đau!”.

Hay mối tình vợ chồng:

“Đói no có thiếp có chàng…”.

Thậm chí ngay cả tình cảm đối với con trâu:

“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”.

Tình cảm người nông dân lao động là tình cảm chân chất, mộc mạc, trong sáng như những “hòn ngọc” trong ca dao, dân ca vậy.

Nghệ thuật trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?
Nghệ thuật trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?

Nghệ thuật trong ca dao, dân ca Việt Nam là gì?

Nhân dân ta xưa sống trong sản xuất và chiến đấu, cho nên óc thẩm mĩ của họ cũng được rèn luyện qua thực tiễn. Nói đến nghệ thuật dân gian, chúng ta sẽ không thể không chú ý đến nghệ thuật được sử dụng trong những bài ca dao, dân ca của dân tộc, với những điểm chung như sau:

  • Ngôn ngữ dân tộc bình dị, tự nhiên, trong sáng, sinh động, giàu hình tượng, giàu âm thanh, gợi hình, gợi cảm, chính xác và dễ hiểu.
  • Thể thơ dân tộc được sử dụng và trau chuốt nhiều nên rất nhuần nhị, hợp với cảm xúc của người Việt Nam.
  • Hình ảnh trong văn học dân gian cụ thể, sinh động gần gũi với đời sống dân tộc nên dễ làm rung động lòng người.
  • Âm thanh, vần điệu, tiết tấy, nhịp điệu thường rất trong sáng, uyển chuyển, cân đối, nhịp nhàng.
  • Lối ví von, so sánh được dùng nhiều và đạt đến mức tinh tế,
  • Kết cấu thường rõ ràng, chặt chẽ và vừa đủ, nhiều kịch tính và nhiều yếu tố bất ngờ.

Tất cả những điều đó khi kết hợp với nhau đã tạo nên tính chất dân tộc đậm đà, giàu bản sắc của nền ca dao, dân ca Việt Nam.

Nghệ thuật được sử dụng trong ca dao Việt Nam hay những điệu dân ca được biểu hiện rõ nhất ở hai đặc điểm sau:

1. Ngôn ngữ ca dao, dân ca là thứ ngôn ngữ giàu hình tượng

Các tiếng tượng hình và tượng thanh trong ca dao Việt Nam được dùng chính xác, có tác dụng truyền cảm mạnh mẽ. Chẳng hạn:

“Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát, mênh mông…”

Hay như:

“Thân em như chẽn lúa đồng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai.”

2. Nghệ thuật diễn đạt ý tưởng cũng rất phong phú

Cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ là một phương pháp phổ biến trong ca dao.

Ví dụ:

“Nông dân đã nói thì làm,
Đã đi là đến, đã bàn là thông,
Đã quyết là quyết một lòng,
Đã phát là động, đã vùng là lên,
Đã lật, lật dưới lên trên,
Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời.”

Hoặc có khi dùng phương pháp so sánh để làm nổi bật ý:

“Biển Đông có lúc vơi đầy,
Mối thù đế quốc có ngày nào quên!”

Có khi dùng lối ví ngầm:

“Vạn niên là Vạn niên nào?
Thành xây xương lính, hào đào máu dân.”

Câu này nói về việc vua Tự Đức xây thành Vạn Niên cơ tức Khiêm Lãng làm cho binh lính và thợ thuyền nhiều người phải bỏ mạng.

Có khi dùng sự vật, hiện tượng cụ thể để nói lên ý trừu tượng:

“Một cây làm chẳng lên non,
Bây cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Ngoài ra ca dao còn dùng các phép tu từ khác như lối nhân hóa, lói nói phóng đại,… để cho ý được diễn tả thêm sinh động, mạnh mẽ và giúp ta dễ nhớ.

Thể thơ trong những câu ca dao Việt Nam sử dụng là những thể thơ dân tộc quen thuộc, chủ yếu là lục bát và lục bát biến thể. Cách gieo vần của thể thơ lục bát như sau: vần thứ sáu câu tám phải hiệp vần với chữ cuối câu sáu ở trên; vần chữ cuối câu sau tiếp theo phải cùng vần với chữ cuối câu tám, gọi là vần chân.

Ví dụ:

“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công!
Bao giờ cây lúa trổ bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Vần lưng ở chữ thứ sáu của câu tám, những cũng có khi ở chữ thứ tư.

Ví dụ:

“Giàn cao thì bí cũng cao
Bí có rơi nhào là lại giàn xiêu.”

Có khi dùng thể lục bát biến thể (số chữ ở câu sau hoặc câu tám có thể nhiều hoặc ít hơn).

Ví dụ:

“Cắc bụp! Cắc bụp! Xòa,
Ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo.
Cắc bụp! Cắc bụp! Xèo,
Ba thằng giặc Pháp bắt heo bắt gà.”

Đối với dân ca, nghệ thuật có phần phức tạp hơn, vì nó đòi hỏi tính chất và đặc trưng của từng làn điệu khác nhau. Tuy vậy, đứng về mặt văn học mà nói, ca dao hay dân ca cũng chia ra làm hai loại trào phúng và trữ tình và cũng theo những thể thức nhất định mà người ta quen gọi là phú, tỉ, hứng.

Phú có nghĩa là phô bày, miêu tả một cách trực tiếp bằng những chi tiết chân thực của cuộc sống.

Ví dụ trong bài “Linh thú”:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thueyenf nước mắt như mưa…”

Tỉ là so sánh ví von. Thể tỉ trong ca dao, dân ca thể hiện mực độ tinh luyện của ngôn ngữ hình tượng, lối nói ví von của nhân dân ta.

Ví dụ:

“Thân em như chẹn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai.”

Hay như:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Hứng thể hiện ở cách lấy sự vật khêu gợi cảm xúc, tức là lối lấy cảnh ngụ tình.

Ví dụ:

“Trên trời có ông tua rua
Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành”.

Hay như:

“Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.
Lờ đò bóng ngả trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng, nhắn tình nước non”.

Ca dao Việt Nam
Ca dao Việt Nam

Ca dao, dân ca Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945

Những bài ca dao Việt Nam được sáng tác và lưu truyền sau Cách mạng tháng Tám 1945 về mặt hình thức nghệ thuật và kiểu bài, xét chung không khác ca dao truyền thống, cũng đề cập đến hai mặt chủ yếu trong đời sống của nhân dân ta là chiến đấu và sản xuất. Nhưng cái mới về mặt nội dung cũng đem lại cho ca dao sau Cách mạng một số nét mới về hình ảnh, từ ngữ và cả về cách biểu đạt. Có những bài đưa vào những từ ngữ như “súng lục cối xay”, “đại bác moóc-chê” mà vẫn rất ca dao. Có những bài đầy những hình ảnh ước lệ cổ truyền nhưng lại rất mới.

Chẳng hạn như:

“Anh đi gìn giữ nước non,
Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ.
Anh đi ra lính Cụ Hồ
Con sông, con hói còn đò đưa anh.”

Hay như:

“Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
Nước dưới sông có tiết đục tiết trong
Ai ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ
Lòng người miền Nam vẫn tròn vành vạnh như chiếc nón bài thơ đội đầu.”

Nội dung ca dao Việt Nam và các làn điệu dân ca sau Cách mạng tháng Tám phản ánh một số nét về cuộc sống nhân dân trên chặng đường lịch sử dân tộc từ 1945 về sau, theo cách riêng của thơ ca dân gian, với những nét miêu tả về sinh hoạt và tâm tình của những nhân vật mới, lần đầu tiên xuất hiện trong ca dao: “anh bộ đội Cụ Hồ”, anh du kích, người dân công, người nông dân trong các phong trào thi đua yêu nước, người dân vùng địch tạm chiếm một lòng hướng về Cách mạng.

Lời kết

Nhìn chung, ca dao Việt Nam và các làn điệu dân ca là những thể loại văn học dân gian phổ biến và được lưu truyền hết sức rộng rãi, chứa đựng nội dung trong sáng, nghệ thuật điêu luyện, có tác dụng giáo dục tư tưởng của ca dao sâu sắc. Thông qua đó, chúng ta có thể phần nào thấy được đời sống của người dân qua từng thời kì lịch sử, thấy được tinh thần đấu tranh quyết liệt để bảo vệ và xây dựng đất nước của cha ông ta thuở trước.

Với sự phát triển của xã hội, ngày nay ca dao và dân ca ngày càng trở nên mờ nhạt trước các thể loại văn học, báo chí và âm nhạc hiện đại. Tuy nhiên, trải qua ngàn năm tồn tại và phát triển, ca dao và dân ca rõ ràng vẫn là một kho báu quý giá trong kho tàng văn học dân gian của toàn dân tộc.

Văn học dân gian Việt Nam
Văn học dân gian Việt Nam

Thông qua bài viết này, chúng tôi mong rằng các bạn sẽ phần nào hiểu được khái niệm ca dao là gì, dân ca là gì, đồng thời nắm được nội dung và nghệ thuật được sử dụng trong ca dao, dân ca Việt Nam.

Còn có rất nhiều các thể loại văn học dân gian Việt Nam khác, bạn có thể tham khảo trong những bài viết dưới đây:

    1. Truyện thần thoại
    2. Truyện truyền thuyết
    3. Truyện cổ tích
    4. Sử thi dân gian
    5. Truyện ngụ ngôn
    6. Truyện cười dân gian
    7. Tục ngữ Việt Nam
    8. Câu đố dân gian
    9. Truyện thơ Việt Nam
    10. Các thể loại sân khấu dân gian

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

8 bình luận